Ốp điện thoại từ Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam ~ Rao Vặt Thái Nguyên

Wednesday, April 18, 2018

Ốp điện thoại từ Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam

Ốp lưng, bao da là một trong những phụ kiện phổ biến cho điện thoại, máy tính bảng... nhờ chức năng bảo vệ thiết bị chống lại các tác động bên ngoài để tránh trầy xước, va đập. 

Tại TP HCM, mặt hàng này được bày bán ở nhiều nơi, từ các siêu thị điện thoại lớn, các cửa hàng di động nhỏ lẻ cho đến vỉa hè. Các con đường được xem là "thiên đường" của ốp lưng, bao da có thể kể đến Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), Hùng Vương (quận 5) hay Trần Quang Khải (quận 1).

Bên trong một cửa hàng bán ốp lưng và phụ kiện cho điện thoại di động.

Bên trong một cửa hàng bán phụ kiện cho điện thoại di động.

Do nhu cầu cao, các cửa hàng liên tục nhập về mẫu mới, hỗ trợ đa dạng sản phẩm. "So với điện thoại, thời gian thay mới ốp lưng hoặc bao da nhanh hơn rất nhiều. Tôi phải thường xuyên cập nhật mẫu để bán cho khách mới và giữ chân khách cũ", một chủ cửa hàng phụ kiện trên đường Cách Mạng Tháng Tám cho biết. Người này nhấn mạnh, chỉ cần khách yêu cầu, "loại nào cũng có", nhưng với các loại máy không phổ biến thì phải đợi thêm thời gian.

Chủ cửa hàng tên Lê cho hay mỗi ngày chị bán được khoảng 30 đến 50 chiếc ốp điện thoại. Người mua chủ yếu là học sinh, sinh viên, người trẻ.

Mẫu mã của mặt hàng này rất đa dạng, nhiều màu sắc hình thù, chất liệu phong phú, từ khung nhựa cứng tới đính đá, da sần hoặc trơn, ốp có tráng gương, ốp chứa nước và kim tuyến ở giữa... Gần đây, có thêm các mẫu cho phép người dùng tùy biến, vẽ hoặc in hình ảnh mà mình yêu thích lên mặt sau. 

Tùy mỗi nơi, giá bán cũng khác nhau. Ở các cửa hàng nhỏ lẻ, các xe bán hàng di động hay sạp bán phụ kiện điện thoại vỉa hè, giá ốp chỉ từ 20.000 đồng đến khoảng 200.000 đồng. Trong khi đó, ở các cửa hàng lớn trưng bày những mẫu đắt hơn, từ 300.000 đồng đến một triệu đồng và được nhấn mạnh là có chất lượng không thua kém hàng chính hãng. Còn những mẫu do chính công ty điện thoại sản xuất có giá rất cao, từ 1,5 đến 2 triệu đồng.

Không chỉ các cửa hàng, trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử... cũng tràn ngập ốp lưng, bao da dành cho thiết bị di động với giá bán từ "thượng vàng đến hạ cám". 

Một mẫu ốp lưng iPhone 7 được giới thiệu là chính hãng nhưng có giá hơn 400.000 đồng, trong khi mẫu tương tự do Apple sản xuất có giá hơn 1 triệu đồng.

Một mẫu ốp lưng iPhone 7 được giới thiệu là "chính hãng" nhưng có giá hơn 400.000 đồng, trong khi mẫu từ Apple có giá hơn 1 triệu đồng.

Một người bán hàng phụ kiện cho điện thoại di động lâu năm cho hay, phần lớn ốp lưng hoặc bao da trên thị trường Việt Nam dù đắt hay rẻ đều được sản xuất từ Trung Quốc. Hàng giá rẻ được nhập từ đường "tiểu ngạch" hoặc mua trực tuyến qua các nguồn thương mại điện tử như Taobao, Alibaba... Thông thường, ốp đắt tiền có chất lượng cao hơn hàng giá rẻ. Phần lớn hàng được phân theo loại một, hai, ba... Người này tiết lộ, những mẫu bán ra dưới 100.000 đồng thì giá nhập vào thực tế không quá 10.000 đồng. Các mẫu đắt tới vài trăm nghìn đồng thì giá nhập cũng không quá 100.000 đồng. Những sản phẩm loại một với giá tiền triệu khi bán ra, mức nhập vào cũng không quá 500.000 đồng. Riêng ốp lưng do chính công ty sản xuất cho điện thoại của họ thì giá buôn và bán lẻ không chênh lệch quá nhiều.

"Nếu một chiếc ốp lưng được tạo ra từ chất liệu an toàn cho sức khỏe, được kiểm định trước khi bán thì sẽ có giá cao", người này chia sẻ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa có cơ quan nào chuyên trách kiểm tra chất lượng cho riêng ốp lưng, bao da trước khi tung ra thị trường, do đó dân buôn tự đánh giá cao - giá thấp để phân loại hàng tốt - hàng dởm theo quan niệm "tiền nào của đó". Theo anh này, không nên mua các loại ốp lưng giá rẻ vì giống như đồ chơi giá rẻ của Trung Quốc, nó làm từ chất liệu không đảm bảo, nếu tiếp xúc nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ. 

Trước đó, theo South China Morning Post, cơ quan giám sát tiêu dùng thuộc Hội bảo vệ Người tiêu dùng Thâm Quyến đã tiến hành kiểm tra 30 mẫu ốp lưng, bao da của 28 thương hiệu điện thoại phổ biến nhất Trung Quốc và phát hiện 5 trong số đó có sản phẩm chứa chất độc hại, có nguy cơ gây ung thư. Đây là những mẫu do chính các công ty điện thoại bán kèm máy hoặc phân phối chính thức thông qua cửa hàng ủy quyền tại Trung Quốc. 

Bảo Lâm

0 nhận xét:

Post a Comment